Viêm gan B: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị và Phòng ngừa

107
0
Share:
viem gan B

Viêm gan B được biết đến là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến trên thế giới. Nếu không được phát hiện kịp thời, căn bệnh này sẽ diễn tiến nghiêm trọng và gây nên các biến chứng nguy hiểm cho gan. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị, phòng ngừa ngay từ sớm nhé!

1. Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus HBV gây ra, dẫn đến các tổn thương gan và hủy hoại tế bào gan. 

Phân loại căn bệnh viêm gan B:

  • Viêm gan B cấp tính: Diễn ra trong vòng 6 tháng, người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên trong một số trường hợp triệu chứng đến đột ngột và dữ dội khiến bệnh nhân phải nhập viện.
  • Viêm gan B mạn tính: Bệnh tiến triển âm thầm và kéo dài từ 6 tháng trở lên, gây ra các biến chứng đáng lo như: xơ gan, suy gan, ung thư gan và kể cả tử vong.

viêm gan B

Rất nhiều người bị viêm gan virus B nhưng không biết mình mắc bệnh, tiềm ẩn nguy cơ chẩn đoán và điều trị chậm trễ.

2. Nguyên nhân gây viêm gan B

Nhìn chung, virus viêm gan B có mặt trong tất cả các dịch cơ thể. Tuy nhiên, nó chỉ lây lan qua các con đường sau:

  • Người mẹ bị nhiễm viêm gan B có nguy cơ lây nhiễm cho con trong quá trình mang thai và sinh nở.
  • Sử dụng chung dụng cụ tiêm với người mắc viêm gan virus B.
  • Không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh.
  • Tiếp xúc máu với người nhiễm virus viêm gan B thông qua vết thương hở.

Lưu ý: Viêm gan virus B không lây qua con đường ăn uống, ôm hôn hay muỗi đốt.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan B

Đối với đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch bị viêm gan B cấp tính hầu như không có triệu chứng rõ ràng.

Còn đối với người trưởng thành thì có khoảng 50% trường hợp gặp dấu hiệu rõ ràng ngay từ ban đầu.

Các triệu chứng sớm của viêm gan virus B:

  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Ăn uống không ngon miệng
  • Mệt mỏi
  • Da vàng, mắt vàng
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Sốt
  • Đau cơ

viêm gan B

Vàng da là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm gan B.

4. Cách chẩn đoán bạn có bị viêm gan virus B hay không?

Bạn hãy đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và thực hiện xét nghiệm HBsAg để xác định xem bản thân có bị viêm gan B hay không, hoặc để loại trừ khả năng bị virus viêm gan B khi có các triệu chứng tương đồng với bệnh viêm gan B.

Ngoài ra tùy vào triệu chứng khi thăm khám lâm sàng mà bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác (siêu âm gan, sinh thiết gan,…) để phục vụ cho việc chẩn đoán.

5. Cách điều trị viêm gan B ở nhiều giai đoạn

5.1 Điều trị ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B sau phơi nhiễm

Khi bạn nghi ngờ bản thân tiếp xúc với virus viêm gan B, bạn cần đi khám ngay lập tức. Khi đó, bằng phương pháp tiêm globulin miễn dịch trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với virus có thể giúp bạn tránh mắc bệnh viêm gan virus B hiệu quả.

5.2 Điều trị viêm gan B cấp tính

Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan virus B. Đối với trường hợp nghiêm trọng, người bệnh cần nhập viện để điều trị và dùng thuốc ngăn chặn tự tăng sinh của virus theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với trường hợp nhẹ hơn, bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn cách ăn uống, nghỉ ngơi để nâng cao hệ miễn dịch chống lại virus. Nếu tuân thủ đúng, người bệnh sẽ dần đẩy lùi bệnh và phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

5.3 Điều trị viêm gan B mạn tính

Quá trình chữa trị viêm gan virus B mạn tính rất phức tạp và có thể kéo dài suốt đời. Mục tiêu chữa trị lúc này chỉ là hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm và phòng ngừa lây nhiễm cho người khác.

Phương pháp điều trị viêm gan B phổ biến là dùng thuốc (thuốc uống hoặc thuốc tiêm) với mục đích giúp điều trị triệu chứng và làm chậm khả năng virus gây hại cho gan. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể dẫn đến tác dụng phụ: mệt mỏi, khó thở, buồn nôn, chán ăn,…

viêm gan B

Thuốc chữa viêm gan B không chỉ giúp ngăn chặn sự tăng sinh của virus, mà còn góp phần làm giảm các tổn thương gan do chúng gây ra.

Nếu đã xảy ra biến chứng xơ gan hoặc ung thư giai đoạn cuối, người bệnh cần được ghép gan. Đây là phương pháp cuối để kéo dài sự sống của người bệnh.

6. Cách phòng ngừa bệnh viêm gan B ngay từ ban đầu

  • Tiêm vacxin viêm gan virus B là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất với người chữa nhiễm virus.
  • Đảm bảo quan hệ tình dục an toàn.
  • Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm với người khác.
  • Tránh tiếp xúc với máu, vết thương hở và chất dịch cơ thể của người khác.
  • Mỗi năm, bạn cần khám sức khỏe định kỳ 2 lần.

Tóm lại, viêm gan B là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát bởi lối sống lành mạnh. Hãy luôn quan tâm đến sức khỏe của mình và đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường nhé!

> Xem thêm: 5 nguyên nhân khiến bệnh thận ngày càng trẻ hóa

Nguồn tham khảo:

https://benhnhietdoi.vn/chuyen-de/chi-tiet/viem-gan-b-nhung-dieu-can-biet/88 

https://www.umcclinic.com.vn/tin-tuc/y-hoc-thuong-thuc/xet-nghiem-hbsag-chan-doan-viem-gan-b

Share: