Viêm gan C: Bệnh tiến triển âm thầm, đừng chủ quan!

94
0
Share:
bệnh viêm gan C

Viêm gan C là căn bệnh nguy hiểm nhưng lại tiến triển thầm lặng. Có rất nhiều bệnh nhân vì không có triệu chứng rõ ràng nên không nhận biết và điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng khó lường. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!

1. Viêm gan C là gì?

Viêm gan C là bệnh nhiễm trùng gan do virus Hepatitis C (HCV) gây nên. Theo đó, các chuyên gia đã xác định loại virus này có 7 kiểu gen và 67 kiểu phụ. Tại Việt Nam, kiểu gen 1 và 6 là phổ biến nhất.

Thông thường, kiểu gen không ảnh hưởng đến mức độ của bệnh, nhưng tác động đến quá trình điều trị bệnh.

viêm gan C

Hiện có khoảng 67 loại biến thể/gen của virus HCV gây bệnh viêm gan C, theo đó cách lây truyền và triệu chứng khác nhau.

2. Viêm gan C lây truyền qua đường nào?

Virus HCV lây từ người này sang người khác qua các con đường sau:

  • Qua đường máu: sử dụng chung kim tiêm hoặc ống chích, tiếp xúc với máu của người bị nhiễm thông qua việc dùng chung dụng cụ cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bông băng vệ sinh,…).
  • Qua đường tình dục: Nguy cơ mắc bệnh viêm gan C cao nếu hành vi tình dục gây chảy máu, giao hợp lúc người phụ nữ đang có kinh nguyệt,… Mặc dù vậy, tỷ lệ này rất thấp.
  • Truyền từ mẹ sang con: Tuy nhiên trường hợp này cũng thường hiếm gặp.

Lưu ý, viêm gan C không lây lan qua sữa mẹ, thức ăn, nước uống hoặc các hành vi tiếp xúc thông thường như ôm, hôn,…

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan C

Viêm gan C thường xảy ra ở 2 giai đoạn: cấp tính và mạn tính.

Triệu chứng viêm gan C cấp tính:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau bụng
  • Chán ăn
  • Vàng da
  • Đau cơ, đau khớp

Các triệu chứng trên có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.

triệu chứng viêm gan C

Đa số bệnh nhân viêm gan C không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu, nên thường dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Ước tính có khoảng 15-25% bệnh nhân viêm gan C tự khỏi sau giai đoạn cấp tính. Những trường hợp còn lại nếu không được chữa khỏi hoàn toàn, bệnh sẽ tiến triển thành mạn tính sau nhiều năm.

Triệu chứng viêm gan C mạn tính:

  • Mệt mỏi, biếng ăn nhiều hơn.
  • Vàng da, ngứa da, khô da, dễ chảy máu hoặc bầm tím trên da
  • Vàng mắt
  • Phù nề tay chân
  • Nước tiểu có màu đậm
  • Sụt cân đột ngột
  • Suy giảm trí nhớ, thường xuyên buồn ngủ hoặc nói lắp

4. Biến chứng viêm gan C

Đáng lo là nhiều trường hợp phát hiện viêm gan C ngay khi bệnh đã có biến chứng nguy hiểm:

  • Giãn mạch máu đường tiêu hóa
  • Xơ gan (tỷ lệ dao động từ 15% – 30% trong vòng 20 năm)
  • Ung thư gan

Lúc này, việc điều trị rất phức tạp, có nguy cơ khó hồi phục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

5. Cách chẩn đoán bệnh viêm gan C

Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, sau đó có thể chỉ định các xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu để nhận biết anti-HCV (kháng thể chống virus HCV) dương tính hay âm tính. Nếu kết quả dương tính, chứng tỏ bệnh nhân mắc viêm gan C và ngược lại. 
  • Xét nghiệm sau kết luận dương tính HCV bao gồm xét nghiệm xác định kiểu gen, kiểm tra mức độ tổn thương (siêu âm, chụp CT, chụp MRI, sinh thiết gan,…), xét nghiệm sàng lọc ung thư gan (AFP, AFP-L3, DCP,…) và một số xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ.

6. Các phương pháp điều trị viêm gan C

Bệnh viêm gan C có thể chữa khỏi được, tuy nhiên để càng lâu thì việc điều trị càng trở nên phức tạp hơn.

Phác đồ chữa viêm gan C chủ yếu dùng các loại thuốc kháng virus như: Daclatasvir, Sofosbuvir, Elbasvir, Ledipasvir, Grazoprevir,… Nếu tuân thủ đúng và đủ (thường kéo dài 12-24 tuần), phương pháp dùng thuốc có thể loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan C ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa tổn thương gan.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn – khi viêm gan C mạn tính và gây tổn thương gan nặng nề và đã điều trị bằng các phương pháp khác nhưng thất bại, bác sĩ có thể tư vấn với bệnh nhân và gia đình về phương án ghép gan. Tỷ lệ sống sau ghép gan 5 năm là trên 60%. Thế nhưng, tỷ lệ này còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố (cơ địa và chăm sóc hậu phẫu).

viêm gan C

Một người có thể bị nhiễm viêm gan C nhiều lần trong đời, vì vậy cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bệnh tái phát.

7. Cách ngăn ngừa viêm gan C ngay từ sớm

Cho đến nay, mặc dù chưa có vacxin phòng ngừa virus HCV, nhưng vẫn có những cách sau để giảm rủi ro nhiễm HCV hoặc ngăn tiến triển của bệnh:

  • Quan hệ tình dục an toàn, đối với người nghi ngờ nhiễm HCV nên dùng bao cao su trong quan hệ tình dục.
  • Kim tiêm chỉ được sử dụng một lần và phải được vô khuẩn tuyệt đối.
  • Hạn chế dùng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có tác dụng phụ ảnh hưởng đến gan.
  • Ăn uống lành mạnh, ưu tiên nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế dùng rượu bia.
  • Không dùng chung dao cạo râu, bàn chải hoặc các vật dụng cá nhân với người khác.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cho bản thân.

Tóm lại, viêm gan C có thể tiến triển âm thầm và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh gan mạn tính. Vì vậy ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy đến cơ sở y tế uy tín (chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy) để được kiểm tra và thăm khám càng sớm càng tốt nhé!

Xem thêm: Viêm gan B: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị và Phòng ngừa

Nguồn tham khảo:

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hepatitis-c 

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-c/symptoms-causes/syc-20354278 

Share: