Hội chứng ruột kích thích: Dấu hiệu và Cách điều trị
Có rất nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích thường nhưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác bởi vì có nhiều triệu chứng tương tự. Hơn nữa, việc điều trị dứt điểm khá khó khăn vì đây là một rối loạn chức năng chứ không phải bệnh lý cụ thể, không có nguyên nhân rõ ràng.
1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome) được hiểu là tình trạng gây ra các cơn đau bụng hoặc làm thay đổi thói quen đi đại tiện, mà không phải do tổn thương thực thể như viêm hay loét và không có rối loạn cấu trúc nào tại đường ruột.
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý mạn tính, thường gặp ở người từ 20 – 50 tuổi.
2. Dấu hiệu hội chứng ruột kích thích
Các triệu chứng của IBS rất đa dạng và thường kéo dài, cụ thể như:
- Đau bụng, chướng bụng
- Đầy hơi
- Thay đổi tần suất đi tiêu
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Có chất nhầy trong phân
- Buồn nôn
- Đau mỏi cơ
- Khó ngủ, mất ngủ
3. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến IBS vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích:
- Căng thẳng, lo âu, trầm cảm.
- Nhiễm trùng ống tiêu hóa.
- Thói quen bỏ bữa, nhịn ăn hoặc ăn nhiều dầu mỡ, bơ sữa hoặc thực phẩm có chất làm ngọt nhân tạo.
- Rối loạn nội tiết tố dẫn đến rối loạn chức năng hệ tiêu hóa.
- Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh tiêu hóa.
Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở người trẻ thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng.
4. Hội chứng IBS có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý lành tính và ít gây nguy hiểm, vì vậy người bệnh không nên quá lo âu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hội chứng này khó điều trị dứt điểm do thường xuyên tái phát.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài mà không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến bệnh trĩ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược hoặc thậm chí trầm cảm.
5. Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải sự thay đổi về tần suất đi tiêu kéo dài nhiều ngày cùng với các triệu chứng sau, hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức:
- Tiêu chảy vào ban đêm
- Chảy máu trực tràng
- Nôn liên tục
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Cơn đau bụng không giảm
6. Cách chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng để đánh giá các triệu chứng, cũng như xem xét tiền sử bệnh cá nhân và gia đình.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm nhằm loại trừ những tình trạng sức khỏe khác. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu
- Kiểm tra hơi thở
- Chụp X-quang đại tràng
- Chụp CT ổ bụng
- Nội soi tiêu hóa (nội soi đại trực tràng)
7. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích
Việc điều trị hội chứng ruột kích thích chủ yếu dựa trên điều chỉnh chế độ ăn uống và dinh dưỡng, kết hợp sử dụng thuốc nhằm giảm các triệu chứng nổi bật, đồng thời thay đổi lối sống lành mạnh để phục hồi và cải thiện chức năng của đại tràng.
Về chế độ ăn uống cho người bệnh:
- Khuyến khích ăn theo chế độ FODMAP: Hạn chế các loại thực phẩm chứa hàm lượng cao các loại carbohydrate khó tiêu (hoa quả đóng hộp, sữa chua, phô mai, dưa hấu, quả bơ,…). Chế độ này giúp giảm đầy hơi, chướng bụng và các cơn đau bụng. Việc tuân theo chế độ FODMAP có thể mang lại sự cải thiện rõ rệt trong chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn tình trạng của mình.
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa lớn trong ngày, người bị hội chứng ruột kích thích nên chia thành 5 – 6 bữa nhỏ để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
- Kiêng các chất kích thích: Nói “không” với cà phê, rượu bia,…
- Ưu tiên thực phẩm mềm: Khi bị đau bụng hoặc tiêu chảy nhiều, người bệnh nên ăn cháo, súp, nước canh,… để dễ tiêu.
Về việc dùng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định các loại sau:
- Thuốc chống co thắt
- Thuốc kiểm soát tiêu chảy
- Thuốc hỗ trợ điều trị táo bón
- Thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ
- Thuốc an thần và giảm căng thẳng
- Probiotic cho hệ vi sinh đường ruột
Về lối sống cho người bệnh:
- Tập luyện thể dục: Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, hoặc bơi lội để cải thiện hoạt động của đường ruột.
- Hạn chế căng thẳng: Áp dụng các phương pháp thư giãn như thiền, yoga, hoặc kỹ thuật hít thở sâu để giảm căng thẳng, điều này có thể làm giảm triệu chứng IBS.
- Duy trì thói quen đi vệ sinh đều đặn: Cố gắng đi vệ sinh đúng giờ và không bỏ qua nhu cầu đi vệ sinh khi cảm thấy cần thiết.
Người đã từng mắc hội chứng ruột kích thích nên duy trì thói quen đi vệ sinh vào mỗi buổi sáng.
Tóm lại, bởi vì hội chứng ruột kích thích (IBS) có triệu chứng tương tự như nhiều bệnh lý tiêu hóa khác nên việc phân biệt và chẩn đoán chính xác có thể gặp khó khăn. Do đó, việc hiểu rõ về tình trạng này, cùng với việc áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp và duy trì lối sống lành mạnh là rất quan trọng để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguồn tham khảo: Irritable bowel syndrome – Symptoms and causes – Mayo Clinic