Bệnh đậu mùa khỉ là gì? 7 triệu chứng thường gặp

112
0
Share:
bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính và hoàn toàn có thể bùng phát thành dịch nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, căn bệnh này lại có triệu chứng rất giống với bệnh thủy đậu, do đó khiến nhiều người nhầm lẫn.

1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, sau đó từ người sang người thông qua: giọt bắn đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể, quan hệ tình dục,…

Đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1970 tại 11 quốc gia châu Phi. Tuy nhiên cho đến nay, bệnh đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó chúng ta cần trang bị đầy đủ kiến thức để chủ động phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời, ngăn chặn bệnh bùng phát thành dịch.

bệnh đậu mùa khỉ

Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 5- 21 ngày.

2. TOP 7 triệu chứng thường gặp ở bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều triệu chứng khác nhau, biểu hiện từ nhẹ đến nặng (tùy theo mỗi người).

(1) Sốt kèm theo ớn lạnh.

(2) Phát ban trên mặt, miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, lưng, thậm chí là cơ quan sinh dục.

(3) Tổn thương da với biểu hiện: rát da, nổi mụn nước, sẩn, mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng), để lại vết loét, đóng vảy khô, nguy cơ để lại sẹo.

(4) Đau đầu dữ dội, kéo dài trong nhiều ngày, cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi nghỉ ngơi.

(5) Nổi hạch ngoại vi toàn thân, hạch sưng và đau khi chạm vào.

(6) Đau lưng, đau cơ – đây là triệu chứng do viêm hoặc căng cơ liên quan đến phản ứng của cơ thể đối với nhiễm virus.

(7) Suy nhược cơ thể, mệt mỏi kéo dài như thiếu năng lượng, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.

bệnh đậu mùa khỉ

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban da ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.

3. Biến chứng bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?

Đối với những người khỏe mạnh khi mắc bệnh đậu mùa khỉ thường sẽ tự hồi phục trong vòng 21 ngày. Tuy nhiên trong trường hợp không phát hiện sớm hoặc can thiệp điều trị không đúng hướng, bệnh có thể tiến triển nặng và để lại hậu quả như:

  • Da bong ra thành từng mảng lớn, gây mất thẩm mỹ.
  • Nhiễm trùng huyết
  • Nhiễm trùng giác mạc
  • Viêm phế quản phổi
  • Viêm não
  • Nguy cơ thai chết lưu (đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh)
  • Tử vong (tỷ lệ hiếm).

4. Cách chẩn đoán và điều trị đậu mùa khỉ

Về chẩn đoán, trước hết cần phân biệt lâm sàng với các bệnh khác (như bệnh thủy đậu, sởi,…) thông qua triệu chứng và tiền sử bệnh. Sau đó, người nghi ngờ mắc bệnh cần xét nghiệm (xét nghiệm PCR mẫu chất lỏng hoặc các vết thương trên da) và sinh thiết một phần mô của da để chẩn đoán bệnh chính xác.

Về điều trị, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị đậu mùa khỉ. Nguyên tắc đầu tiên là cách ly ca bệnh nghi ngờ hoặc đã xác định, hạn chế giao tiếp xã hội. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệu chứng ở bệnh nhân, có thể dùng thuốc hỗ trợ (thuốc kháng virus Cidofovir, thuốc kháng virus Tecovirimat, thuốc Brincidofovir).

Ngoài ra, người bệnh cần ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa (cháo, súp) trong những ngày đầu, thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng), rau củ và trái cây, đặc biệt chú ý cân bằng điện giải. 

Trong trường hợp, bệnh trở nặng và xuất hiện các dấu hiệu sau đây thì bệnh nhân cần được xem xét chuyển tuyến điều trị: hôn mê, giảm ý thức, giảm thị lực, suy hô hấp, chảy máu,…

5. Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ, hãy tuân thủ những biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Che mũi, miệng khi hắt hơi hoặc khi ho.
  • Không tiếp xúc trực tiếp với người hoặc động vật bị bệnh.
  • Nếu phải chăm sóc người bệnh đậu mùa khỉ, bạn cần dùng phương tiện phòng hộ cá nhân (đeo khẩu trang, găng tay,…).
  • Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
  • Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), khi về nước thì cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương.
  • Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần khai báo với cơ sở y tế gần nhất và cách ly theo quy định, tránh quan hệ tình dục trong giai đoạn này.
  • Tiêm vacxin phòng bệnh đậu mùa khỉ với đối tượng có nguy cơ cao.
  • Ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Rửa tay thường xuyên với xà phòng là một trong những cách đơn giản nhất giúp ngăn ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Trước bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ đang có những diễn biến phức tạp, việc nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là hết sức quan trọng. Hy vọng bài viết trên hữu ích cho bạn và người thân. Chúng ta hãy cùng chủ động tìm hiểu và cảnh giác với triệu chứng của bệnh, bảo vệ sức khỏe mọi lúc – mọi nơi, đừng để bệnh tật làm giảm chất lượng cuộc sống nhé!

Nguồn tham khảo:

Mpox (monkeypox) – WHO

Bệnh đậu mùa khỉ đang có xu hướng lan rộng tại Việt Nam

Xem thêm: Viêm gan B: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Điều trị và Phòng ngừa

Share: