Bệnh sốt xuất huyết: Dấu hiệu, Cách điều trị & Phòng ngừa

120
0
Share:
bệnh sốt xuất huyết

Cứ vào mùa mưa mỗi năm, nhiều gia đình lại lo sợ bệnh sốt xuất huyết diễn ra. Đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ thì càng lo lắng hơn, vì hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện nên dễ tiến triển nặng nếu không phát hiện sớm. Mời bạn cùng theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn về căn bệnh truyền nhiễm này và có cách phòng ngừa hiệu quả.

1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue (dengue fever, DF, đọc là đăng-gi) là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Đây là loại virus được truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi đốt.

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm. Theo đó, mỗi năm có hàng chục nghìn người mắc bệnh, gặp cả ở trẻ em và người lớn. Tỷ lệ bệnh thường tăng vào mùa mưa, khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.

bệnh sốt xuất huyết

Mùa cao điểm bệnh sốt xuất huyết thường diễn ra vào từ tháng 7 đến giữa tháng 11.

2. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Như đã chia sẻ ở trên, tác nhân chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết là do vi rút Dengue lây lan qua người từ muỗi Aedes aegypti có mang virus gây bệnh. Thông qua vết đốt của muỗi, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi ủ bệnh và gây bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện ra loại virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Theo đó, người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo miễn dịch với chủng virus đó đến suốt đời, còn với những chủng virus còn lại vẫn có thể bị nhiễm. Bởi vậy, người dân sống trong vùng lưu hành dịch dengue vẫn có khả năng mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. 

bệnh sốt xuất huyết

Hình ảnh muỗi vằn Aedes aegypti – trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết thường phát triển vào mùa mưa.

3. Thời gian ủ bệnh và dấu hiệu sốt xuất huyết

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết chủ yếu trong khoảng 4-7 ngày, hoặc một số trường hợp kéo dài đến 14 ngày. Cần hiểu rõ đây là giai đoạn hệ miễn dịch “ra sức” hoạt động để chống lại virus xâm nhập cơ thể. Đến khi không thể “chống trả”, bệnh sẽ biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau.

Một số dấu hiệu đặc trưng bệnh sốt xuất huyết:

  • Sốt cao (từ 39 – 40 độ C)
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Đau họng
  • Đau sau hốc mắt
  • Đau vùng thượng vị
  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ phổ biến nhất ở trẻ nhỏ là sốt, đau họng và đau bụng, do đó phụ huynh cần hết sức lưu ý để nhận biết bệnh kịp thời.

Ngoài ra, sốt cao chưa phải là dấu hiệu nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết. Khi người bệnh hết sốt mới là giai đoạn đáng lo nhất – bởi vì lúc này hệ miễn dịch suy yếu, đồng nghĩa với lượng bạch cầu và tiểu cầu trong máu giảm, nếu không được chăm sóc cẩn thận có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Một số biến chứng của bệnh sốt xuất huyết:

  • Hạ huyết áp đột ngột
  • Thở gấp
  • Da xanh xao, nhợt nhạt
  • Rối loạn đông máu
  • Xuất huyết não
  • Xuất huyết dạ dày
  • Tràn dịch màng phổi
  • Suy đa tạng
  • Hôn mê 

điều trị bệnh sốt xuất huyết

Tham khảo phác đồ chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết của Bệnh viện 108.

4. Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay, y học hiện đại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Nguyên tắc điều trị chủ yếu của bệnh này là điều trị triệu chứng (thời gian thường kéo dài 7 – 10 ngày từ ngày sốt đầu tiên).

Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được lập phác đồ điều trị đúng đắn và hiệu quả.

Các biện pháp điều trị và chăm sóc với người bệnh sốt xuất huyết:

  • Dùng thuốc hạ sốt: paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg cân nặng /lần.
  • Uống nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước cháo loãng với muối để ngăn ngừa mất nước và khoáng chất.
  • Kết hợp lau bằng nước ấm để hỗ trợ hạ sốt.
  • Dùng một số thuốc khác tùy theo triệu chứng của mỗi người và theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ăn thức ăn lỏng và dễ tiêu (cháo, súp,…).
  • Nghỉ ngơi tại giường, tránh vận động mạnh.

5. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả mọi người hãy cùng chung tay phòng chống sốt xuất huyết theo những điều sau:

  • Thả cá diệt lăng quăng/bọ gậy.
  • Đậy nắp kín những dụng cụ chứa nước sinh hoạt (lu, thau, chậu,…).
  • Loại bỏ vật liệu phế thải xung quanh nha.
  • Dùng nhang đuổi muỗi, bình xịt muỗi, tinh dầu đuổi muỗi hoặc vợt điện muỗi trong nhà.
  • Phối hợp với cơ quan y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy định kỳ.
  • Đối với trẻ, cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày, đặc biệt không để trẻ nơi thiếu ánh sáng nhằm tránh muỗi đốt,
  • Nếu có dấu hiệu sốt cao, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, không tự ý điều trị tại nhà.

phòng ngừa sốt xuất huyết

Vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Tóm lại, sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng do virus lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi. Bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Việc nhận biết sớm và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế chu đáo sẽ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do bệnh.

Nguồn tham khảo:

https://benhnhietdoi.vn/chuyen-de/chi-tiet/sot-xuat-huyet-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri/9 

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue 

Share: