Các bệnh tuyến giáp thường gặp, dấu hiệu và cách điều trị

62
0
Share:
bệnh tuyến giáp

Ai cũng có thể bị bệnh tuyến giáp, nhưng thông thường phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh tuyến giáp tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng chức năng thần kinh, khả năng sinh sản và nhiều biến chứng khác nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

1. Bệnh tuyến giáp là gì?

Bệnh tuyến giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc không đủ hormone, làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung.

Theo các nghiên cứu, khoảng 30% số ca mắc bệnh tuyến giáp thuộc về nhóm người trong độ tuổi từ 18 đến 64. Tỷ lệ này thường tăng theo độ tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ, với con số cao gấp 5 đến 8 lần so với nam giới.

bệnh tuyến giáp

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn so với nam giới, đặc biệt là trong các giai đoạn thay đổi hormone như khi mang thai và trong thời kỳ mãn kinh.

2. Các bệnh tuyến giáp phổ biến và dấu hiệu đặc trưng

Dưới đây là một số bệnh lý về tuyến giáp thường gặp mà bạn cần lưu ý:

2.1 Cường giáp

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến việc sản xuất dư thừa các hormon T3 (liothyronin) và T4 (levothyroxin) vào máu, từ đó gây ra các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. 

Các triệu chứng phổ biến của bệnh như: cảm giác luôn nóng bức, đổ mồ hôi liên tục, lòng bàn tay ẩm ướt, dễ xúc động hoặc cáu kỉnh, dễ gãy móng tay và rung tóc, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.

2.2 Suy giáp

Suy giáp là tình trạng khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cần thiết cho các hoạt động trao đổi chất của cơ thể. 

Các triệu chứng của suy giáp có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ giảm tiết hormone, bao gồm: mặt bị sưng, cơ thể mệt mỏi, nhịp tim chậm, khó khăn trong việc tập trung, da nhợt nhạt, yếu cơ, chuột rút, giảm ham muốn tình dục và nhiều biểu hiện khác.

2.3 Bướu tuyến giáp

Bướu giáp, còn được biết đến với tên gọi bướu cổ, là một tình trạng bệnh lý biểu hiện bằng các khối u cứng, chứa chất lỏng hoặc chất đặc quánh, xuất hiện ở vùng cổ, ngay trên xương ức.

Một số bướu khi có kích thước lớn sẽ phình to và rất dễ nhìn thấy bằng mắt thường, chèn ép khí quản gây khó thở, nói khàn. Ở một số người, bướu giáp có thể dẫn đến cảm giác lo âu liên tục, nhịp tim nhanh, run tay, ra mồ hôi và giảm cân không rõ nguyên nhân.

bệnh tuyến giáp

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bướu tuyến giáp là sự thiếu hụt i-ốt trong cơ thể. 

2.4 Viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự xâm nhập của tế bào viêm hoặc mô xơ vào tuyến giáp. Viêm có thể xảy ra cả trên tuyến giáp khỏe mạnh lẫn trên các bướu giáp đã có sẵn từ trước.

Tình trạng viêm ở tuyến giáp có thể dẫn đến việc sản xuất hormone tuyến giáp bị rối loạn, gây ra sự tiết hormone quá nhiều hoặc quá ít, từ đó dẫn đến các triệu chứng như: vùng cổ bị đau và sưng, sốt, ớn lạnh, khó nuốt, khó thở, đánh trống ngực,…

2.5 Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh tuyến giáp nguy hiểm nhất. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu chứng đặc trưng. Khi bệnh tiến triển nặng và di căn, người bệnh mới có những dấu hiệu rõ ràng như: nuốt vướng, khàn tiếng, khó thở, đau xương,… Ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện càng muộn thì tỷ lệ sống sau 5 năm càng thấp.

3. Bệnh tuyến giáp được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán bệnh tuyến giáp thường dựa vào sự đánh giá triệu chứng, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm.

Về khám lâm sàng, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện động tác nuốt – bởi vì khi nuốt thì tuyến giáp sẽ di chuyển, giúp quá trình kiểm tra trở nên dễ dàng hơn.

Về xét nghiệm, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm tuyến giáp và xạ hình tuyến giáp.

4. Cách điều trị bệnh tuyến giáp

Phần lớn bệnh lý về tuyến giáp có thể được kiểm soát hiệu quả nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp.

Các biện pháp điều trị bệnh tuyến giáp bao gồm:

  • Dùng thuốc: bao gồm thuốc kháng giáp Methimazole và Propylthiouracil, viên uống bổ sung hormone hàng ngày Levothyroxine hoặc thuốc chẹn beta.
  • Phẫu thuật: cắt toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp khi tuyến giáp quá to, ung thư tuyến giáp hoặc khi bệnh tuyến giáp không đáp ứng phương pháp điều trị bảo tồn khác.
  • Iod phóng xạ: áp dụng khi không thể loại bỏ hoàn toàn ung thư tuyến giáp bằng phẫu thuật.

bệnh tuyến giáp

Chi phí cho phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể dao động trong khoảng từ 10 đến 30 triệu đồng, tùy thuộc vào phương pháp thực hiện.

5. Cách phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp

Để các bệnh tuyến giáp không “ghé thăm”, tốt nhất bạn nên tuân thủ những điều sau:

  • Các loại thực phẩm giàu iod như rong biển, tảo bẹ và hải sản nên được tiêu thụ ở mức độ hợp lý.
  • Tăng cường các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, óc chó,… để cung cấp một lượng lớn magie, protein thực vật, vitamin B, vitamin E và nhiều khoáng chất khác giúp tuyến giáp hoạt động hiệu quả.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc đi khám ngay nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường ở cổ.
  • Nếu bạn làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại như nhà máy hạt nhân hoặc xưởng sản xuất linh kiện điện tử, hãy tuân thủ các quy trình bảo hộ.

Tóm lại, bệnh tuyến giáp là một nhóm các tình trạng liên quan đến sự hoạt động bất thường của tuyến giáp và gây ra một loạt các triệu chứng từ mệt mỏi, thay đổi cân nặng, đến rối loạn nhịp tim và cảm giác lo âu. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cực kỳ quan trọng để kiểm soát các bệnh lý này và duy trì sức khỏe bền lâu.

Nguồn tham khảo: Các bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp – BV Đa khoa Thành phố Thanh Hóa

Share: