Cách uống trà xanh vừa đẹp da, vừa tốt cho sức khỏe
Trà xanh không chỉ là loại thức uống phổ biến mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho làn da và sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách uống trà xanh đúng để chúng phát huy công dụng. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây nhé!
1. Hãy rửa trà xanh trước khi pha chế
Đối với lá trà tươi, bạn cần rửa sạch chúng để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất, đảm bảo sạch sẽ. Tốt nhất là bạn nên rửa lá trà bằng nước ấm để đánh thức lá trà, giúp dậy hương thơm và giảm độ chát, nhờ vậy mà nước trà xanh sau khi pha sẽ có hương vị dịu nhẹ và dễ uống hơn, thích hợp cho những ai mới bắt đầu thưởng thức trà xanh.
2. Pha trà xanh ở nhiệt độ vừa phải
Cách uống trà xanh “chuẩn” là không nên pha trà xanh với nước sôi 100 độ C, bởi vì:
- Thứ nhất, có thể làm cháy lá trà, khiến nước trà có vị đắng và chát.
- Thứ hai, nước sôi có thể phá hủy dưỡng chất tự nhiên của lá trà, nhất là hợp chất polyphenol và catechin.
Vì vậy, bạn chỉ nên pha trà ở nhiệt độ nước khoảng 80 độ C để đảm bảo hương vị trà xanh tốt nhất. Theo đó, bạn không nên uống nước trà quá nóng vì có thể gây tổn thương lớp lót niêm mạc thực quản, tăng nguy cơ viêm thực quản hoặc ung thư thực quản.
Để tận hưởng trọn vẹn hương vị và lợi ích sức khỏe, hãy học cách uống trà xanh đúng cách với nhiệt độ nước vừa phải, khoảng 70 – 80 độ C nhé!
3. Không pha trà quá đặc
Pha trà quá đặc sẽ khiến nước trà có vị đắng và chát, làm mất đi hương vị đặc trưng ban đầu. Chưa kể, uống nước trà quá đặc còn làm tăng hàm lượng caffeine, dẫn đến tình trạng “say trà” với các biểu hiện: tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp, lạnh tay chân, khó ngủ.
4. Mỗi ngày chỉ nên uống 500ml nước trà xanh
Uống nhiều hơn 500ml trà xanh trong ngày có thể tăng áp lực với gan, đồng thời gây rối loạn tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, uể oải,…. Ngoài ra, lạm dụng việc tiêu thụ trà xanh còn có thể gây loãng máu, vì vậy người đang dùng thuốc chống đông máu nên thận trọng khi uống trà xanh.
5. Không nên uống trà xanh khi bụng đói
Khi bụng đói, caffeine trong trà xanh có thể gây ra phản ứng: chóng mặt, buồn nôn, khó chịu,… Vì vậy bạn chỉ nên uống trà xanh giữa các bữa ăn hoặc sau khi ăn khoảng 30 – 60 phút.
Tốt nhất bạn nên uống trà xanh sau ăn khoảng 60 phút.
6. Không uống trà xanh cùng lúc với thuốc điều trị
Uống trà xanh cùng với thuốc tây có thể giảm khả năng hấp thụ của dạ dày và ruột, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị của thuốc. Chưa kể, uống thuốc tây và nước trà xanh cùng lúc có thể tăng nguy cơ ngộ độc gan, làm tổn thương gan nghiêm trọng.
7. Không thêm mật ong vào trà xanh khi còn nóng
Cách uống trà xanh đúng chuẩn là chỉ nên thưởng thức mỗi loại thức uống này để đảm bảo hương vị đặc trưng. Hoặc nếu có thể, bạn có thể pha thêm mật ong nhưng chỉ vào lúc nước trà còn ấm, không nên kết hợp khi trà đang còn nóng (vì có thể làm giảm dinh dưỡng của mật ong).
8. Một số đối tượng không nên uống trà xanh
Những đối tượng sau nên thận trọng hoặc không nên uống trà xanh:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Người bị thiếu máu
- Người mắc bệnh loãng máu
- Người có vấn đề về dạ dày
- Người nhạy cảm với caffeine
- Người mắc bệnh tim mạch
9. Không để trà xanh qua đêm
Nước trà sau khi để qua đêm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, đồng thời còn hình thành các hợp chất có hại (như nitrit), dẫn đến ngộ độc thực phẩm, không tốt cho sức khỏe.
Bạn nên uống trà ngay sau khi pha hoặc để nguội và uống trong 1-2 giờ, không để qua đêm.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích về cách uống trà xanh để tận dụng tối đa những lợi ích mà thức uống này mang lại. Hãy bắt đầu tạo thói quen uống trà xanh mỗi ngày để nhận thấy sự thay đổi tích cực từ làn da và sức khỏe nhé!
Công dụng không ngờ khi uống trà xanh mỗi ngày
|
Nguồn tham khảo:
10 Evidence-Based Benefits of Green Tea