Đại lễ Vu Lan: Nên và Không nên làm gì?

110
0
Share:
lễ Vu Lan

Cứ đến rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân lại đón mùa lễ Vu lan báo hiếu. Đây là dịp lễ mang tính nhân văn sâu sắc trong văn hóa Việt Nam và Phật giáo. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa và hoạt động trong ngày lễ này nhé!

1. Nguồn gốc lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật và người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên.

Chuyện là ngày trước khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, vì tưởng nhớ mẫu thân là bà Thanh Đề nên Ngài đã dùng tuệ nhãn tìm mẹ khắp nơi trong trời đất. Sau đó, Ngài nhìn thấy mẹ đang bị đày trong cõi ngạ quỷ, luôn trong tình trạng đói khát. Vì thương mẹ, nên Ngài đã dùng thần thông của mình để dâng cơm xuống cho mẹ. Nhưng vì bà Thanh Đề lòng còn sân si nên khi đưa tay bốc cơm đã biến thành lửa, không thể ăn được.

Quá đau xót, Mục Kiền Liên quay về hỏi Đức Phật để tìm cách cứu mẹ. Khi đó, Đức Phật đáp rằng một mình Ngài cũng không thể nào giải cứu được, chỉ có cách là nhờ sự hợp sức của chúng tăng khắp nơi. Theo đó, Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật, cung thỉnh chư Tăng và sắm sửa lễ cúng vào ngày 15/7 âm lịch. Cuối cùng, với lời tu nguyện có thể giúp cho mẹ Mục Kiền Liên thoát khỏi cảnh đó và về với cõi trời. Từ đó ngày lễ Vu Lan cũng ra đời.

lễ Vu Lan

Đại lễ Vu Lan báo hiếu có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt.

2. Ý nghĩa lễ Vu Lan và câu chuyện bông hồng cài áo

Lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm với ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành, phù hợp với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. 

Và cũng trong ngày lễ này, mọi người thực hiện nghi thức cài bông hồng trên áo. Khi đến các ngôi chùa, nếu ai còn mẹ sẽ được cài bông hoa màu hồng trên áo. Nếu ai không còn mẹ thì cài bông hoa trắng với ý nghĩa vẫn nhớ đến công đức sinh thành và dưỡng dục dù mẹ đã khuất.

lễ Vu Lan

Bông hồng cài áo ngày Vu Lan như nhắc nhở con cái luôn yêu thương và trân trọng từng phút giây.

3. NÊN và KHÔNG NÊN làm gì trong ngày rằm tháng 7?

Sau đây là những việc NÊN làm:

  • Chuẩn bị mâm cúng tươm tất: Trước hết là mâm chay cúng Phật và mâm ông bà gia tiên sắp xếp theo hình thức “trên chay dưới mặn” (tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mâm mặn). Ngoài ra, vì ngày lễ Vu Lan trùng với ngày cầu siêu, xá tội vong nhân trong Phật giáo. Cụ thể, từ tối ngày 15/7 âm lịch đến hết ngày 30/7, Quỷ Môn Quan mở để các vong hồn trở lại trần thế. Do vậy, ngoài mâm cúng ông bà và tổ tiên, các gia đình còn cúng thêm mâm ngoài trời (gồm nước, trái cây, bánh kẹo, hoa cúng,…) dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa về kịp cõi âm, không quấy phá thân chủ.
  • Đi chùa và cầu khấn thành tâm cho cha mẹ luôn được bình an. Trường hợp, cha mẹ đã qua đời, hãy cầu xin Đức Phật đưa đường chỉ lối cho cha mẹ được an nghỉ nơi suối vàng. Ngoài ra, không chỉ thắp hương, bạn còn có thể làm công đức, hỗ trợ một số hoạt động trong chùa.
  • Thả đèn hoa đăng với ý nghĩa sưởi ẩm và cầu siêu cho những người đã khuất dưới sông.
  • Ăn chay thể hiện lòng từ bi, giảm sát sinh cũng như cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát.
  • Làm từ thiện, giúp đỡ người già neo đơn hoặc trẻ em nghèo hiếu học.
  • Phóng sinh các động vật như chim, cá, rùa,… để chúng được quay trở lại môi trường tự nhiên.
  • Thăm mộ ông bà hoặc người thân thể hiện sự tôn kính và nhớ mong với người đã khuất, một lòng hướng về nguồn cội.
  • Tổ chức những bữa cơm quây quần bên gia đình, cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc ấm áp và gần gũi.
  • Tặng quà hoặc hoa cho cha mẹ trong ngày Vu Lan như một cách thể hiện sự quan tâm đến phụ mẫu.

lễ Vu Lan

Thả đèn hoa đăng là cách để lan tỏa tấm lòng từ bi, ánh sáng thiện lương, nhắc nhở con người luôn bao dung và hướng về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Sau đây là những việc KHÔNG NÊN thực hiện:

  • Không chụp ảnh vào buổi tối.
  • Không huýt sáo vào đêm khuya.
  • Không để dép hướng về phía giường.
  • Không phơi quần áo bên ngoài cả đêm.
  • Không cúng cô hồn trong nhà, chỉ nên cúng ngoài sân, ngoài đường hoặc đăng ký cúng ở đình, chùa.
  • Không ăn vụng đồ cúng.
  • Không treo chuông gió đầu giường.
  • Không nói lời cay nghiệt, xúc phạm ai đó.
  • Không động thổ hay xây nhà vào ngày này.
  • Hạn chế tiêu xài phung phí, đặc biệt trong các nghi lễ cúng bái, nên chú trọng vào sự chân thành hơn là hình thức.

Hy vọng với những thông tin trên, bạn có thể hiểu hơn về đại lễ Vu Lan của dân tộc. Hãy cùng nhau gìn giữ và phát huy ý nghĩa nhân văn của mùa lễ này, góp phần xây dựng cuộc sống tràn đầy yêu thương.

Theo dõi Chuyên mục Đời Sống cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về phong tục truyền thống và bí quyết sống vui trong cuộc sống hiện đại nhé!

Nguồn tham khảo: Vu lan rằm tháng bảy: Nguồn gốc, ý nghĩa chuyện báo hiếu

Share: