Đau bụng kinh: Nguyên nhân, Cách xử trí và Điều trị

115
0
Share:
đau bụng kinh

Đau bụng kinh được xem là nỗi ám ảnh của nhiều chị em mỗi khi đến “ngày dâu”. Tuy nhiên tình trạng này nếu cứ kéo dài có thể cảnh báo một số bệnh lý phụ khoa cần điều trị.

1. Cơn đau bụng kinh biểu hiện thế nào?

Bạn có thể nhận biết cơn đau bụng kinh qua các dấu hiệu sau:

  • Cơn đau nhói hoặc quặn thắt ở vùng bụng dưới, lúc âm ỉ, nhưng cũng có lúc dữ dội.
  • Thường bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước khi kỳ kinh xuất hiện, mức độ đau nhất sau 24 giờ từ lúc bắt đầu và giảm dần trong 2 đến 3 ngày tiếp theo. 
  • Triệu chứng đau bụng kinh có thể lan ra vùng lưng dưới và đùi. 

Bên cạnh đó, một số chị em phụ nữ còn có những triệu chứng khác:

  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt

đau bụng kinh

Mỗi khi cơn đau bụng kinh đến, chị em cảm thấy rất mệt mỏi, thậm chí còn không thể làm việc và sinh hoạt bình thường được.

2. Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh

Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ đau bụng kinh:

  • Tử cung co thắt quá độ: Đối với người bình thường, các cơn co thắt tử cung không gây ra cảm giác đau. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, khi tử cung co thắt quá độ, các mô trong tử cung có thể thiếu oxy, dẫn đến những cơn đau dữ dội.
  • Bệnh lý phụ khoa: Nghiên cứu cho thấy, các bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, hẹp cổ tử cung,… có thể làm tăng nguy cơ đau bụng kinh, đặc biệt ở phụ nữ sau tuổi 25.
  • Sử dụng vòng tránh thai: Khi vòng tránh thai được đặt vào tử cung, nó có thể kích thích tử cung co thắt mạnh hơn, dẫn đến cảm giác đau ở vùng bụng dưới. Những cơn đau này thường xuất hiện rõ hơn trong những ngày đầu của kỳ kinh. Dù vậy, cảm giác đau sẽ giảm dần sau một thời gian sử dụng.
  • Mệt mỏi kéo dài: Stress có thể làm tăng mức độ căng thẳng của cơ thể, dẫn đến gia tăng sản xuất hormone cortisol, từ đó làm mất cân bằng hormone sinh sản. Điều này ảnh hưởng đến quá trình co bóp của tử cung, khiến các cơn co thắt trở nên dữ dội hơn trong kỳ kinh nguyệt. Thêm vào đó, căng thẳng có thể làm giảm ngưỡng chịu đau, làm cho cảm giác đau trở nên rõ rệt hơn.
  • Dinh dưỡng không đầy đủ: Một chế độ ăn thiếu hụt các vitamin và khoáng chất quan trọng như canxi, magie và vitamin B6 có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ tử cung. Sự thiếu hụt những dưỡng chất này có thể dẫn đến sự co bóp không đều và mạnh mẽ hơn của tử cung, gây ra cơn đau bụng kinh.

3. Đau bụng kinh có nguy hiểm không?

Đau bụng kinh thường không nguy hiểm và là một hiện tượng phổ biến ở nhiều phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc trở nên dữ dội, hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường như chảy máu nhiều hoặc buồn nôn nghiêm trọng. Có thể đây là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung. Trong những trường hợp này, việc thăm khám bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

đau bụng kinh

Chị em đừng chủ quan với những cơn đau bụng kinh kéo dài, hãy đi khám ngay!

4. Cách xử trí tại nhà khi đau bụng kinh

Để giảm đau bụng kinh tại nhà, chị em có thể thử áp dụng các biện pháp sau:

  • Chườm túi ấm lên bụng dưới.
  • Tắm nước ấm để thư giãn cơ thể.
  • Massage vùng bụng dưới.
  • Thực hiện các bài tập giảm căng thẳng như tập yoga hoặc thiền.
  • Không uống rượu bia trong giai đoạn này vì chúng có thể làm cơn đau nặng hơn.
  • Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý giúp giảm bớt sự khó chịu.

Nếu bạn đã thử các biện pháp trên trong 1-2 ngày mà cơn đau bụng kinh vẫn không giảm, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn!

5. Cách chẩn đoán đau bụng kinh

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám tổng quát và phụ khoa, đồng thời tìm hiểu bệnh sử cá nhân và gia đình để xác định nguy cơ. Nếu nghi ngờ đau bụng kinh liên quan đến bệnh lý, bác sĩ có thể yêu cầu các kiểm tra như siêu âm, chụp CT, MRI hoặc nội soi ổ bụng để phát hiện các vấn đề như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hay u nang buồng trứng.

Dựa vào những kết quả chẩn đoán trên, bác sĩ sẽ biết được tình trạng đau bụng kinh bạn đang gặp phải xuất phát từ nguyên nhân nào, rồi từ đó sẽ có hướng điều trị phù hợp. 

Các cách điều trị đau bụng kinh của bác sĩ có thể bao gồm: dùng thuốc, liệu pháp hormone, phẫu thuật (đối với trường hợp u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung,…).

đau bụng kinh

Đối với các trường hợp đau bụng kinh nhẹ, chị em chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc tránh thai và theo dõi sức khỏe của mình một cách chủ động.

Mong rằng những thông tin trên giúp bạn có thêm thông tin để xử trí khi bị đau bụng kinh. Đồng thời để phòng tránh tình trạng này, bạn nên có chế độ ăn đầy đủ, tập luyện thể dục đều đặn và giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt trong những ngày dâu. Điều quan trọng là nên khám định khoa định kỳ 6 tháng/lần để chủ động bảo vệ sức khỏe nhé!

Nguồn tham khảo: Menstrual cramps – Symptoms & causes – Mayo Clinic

Share: