Hạ huyết áp: Dấu hiệu nhận biết và Cách xử trí kịp thời

95
0
Share:
hạ huyết áp

Hạ huyết áp là tình trạng xảy ra phổ biến nhưng lại có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Thống kê cho thấy có khoảng 70% bệnh nhân không biết mình bị huyết áp thấp. Sự chậm trễ trong nhận biết và điều trị có thể ảnh hưởng đến tim mạch và nhiều cơ quan quan trọng khác.

1. Hiểu rõ hạ huyết áp là gì?

Hạ huyết áp hay còn gọi là huyết áp thấp (hypotension) là tình trạng huyết áp cơ thể dưới 90/60mmHg, trong khi ở người khỏe mạnh bình thường là 120/80mmHg.

Khi bị hạ huyết áp, áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch thấp hơn so với bình thường, khi đó não và tim hoạt động kém hiệu quả. 

hạ huyết áp

Hạ huyết áp là khi đo huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu ≤ 90 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương ≤ 60 mmHg.

2. Phân loại huyết áp thấp

Hiện nay, huyết áp thấp được chia thành 2 loại:

  • Huyết áp thấp cấp tính: xuất hiện đột ngột, mới chỉ xảy ra vài lần, nhưng nếu không xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng.
  • Huyết áp thấp mạn tính: kéo dài và liên tục, có thể không xuất hiện triệu chứng nào, chỉ phát hiện khi tình cờ đo huyết áp.

3. Dấu hiệu nhận biết hạ huyết áp

Sau đây là những triệu chứng hạ huyết áp:

  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Hoa mắt
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Thở nhanh và nông
  • Cảm giác khát nước
  • Lú lẫn hoặc thiếu tập trung
  • Da xanh xao, nhợt nhạt
  • Buồn nôn, nôn
  • Tay chân nhức mỏi, tê bì
  • Ngất xỉu

Tuy nhiên, những triệu chứng hạ huyết áp như trên lại không biểu hiện rõ ràng, đôi khi nhầm lẫn với bệnh thiếu máu, hạ đường huyết hoặc rối loạn nhịp tim.

hạ huyết áp

Chóng mặt, mệt mỏi, và buồn nôn có thể là dấu hiệu của huyết áp thấp – đừng bỏ qua những triệu chứng này!

4. Nguyên nhân gây hạ huyết áp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết áp thấp như sau:

  • Thai kỳ: Khi mang thai khoảng 24 tuần đầu (tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai), nội tiết tố của chị em thay đổi nên có thể khiến mạch máu giãn nở quá nhanh và xảy ra tình trạng hạ huyết áp.
  • Lạm dụng rượu bia: Theo nghiên cứu, trong 24 giờ đầu sau khi uống rượu bia, nhịp tim của một số người tăng lên, làm giãn mạch máu, đồng thời giảm huyết áp.
  • Bệnh lý về tim mạch: Chẳng hạn như bệnh hẹp van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim,… khiến tim không còn đủ khả năng bơm máu, dẫn đến hạ huyết áp.
  • Cơ thể mất nước: Vì nhiều lý do (như tiêu chảy, bệnh thận, nghiện rượu,…) mà cơ thể bị mất nước đột ngột, khi đó sẽ làm giảm thể tích dịch lưu thông trong lòng mạch, khiến huyết áp cũng giảm thấp.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Các loại thuốc điều trị suy tim, các bệnh về thần kinh hoặc rối loạn cương dương có thể gây tác dụng phụ là hạ huyết áp.

5. Hạ huyết áp có thực sự nguy hiểm?

Đối với trường hợp hạ huyết áp không gây ra bất cứ triệu chứng nào bất thường thì không nguy hiểm. Còn những trường hợp còn lại gây ra triệu chứng mà không xử trí kịp thời thì có thể dẫn đến biến chứng như: té ngã và chấn thương, sốc, tổn thương nội tạng, suy đa cơ quan, tăng nguy cơ đột quỵ, suy giảm hoặc mất nhận thức,…

Lưu ý, thời gian hạ huyết áp càng kéo dài, lượng máu cung cấp đến cho não và các cơ quan càng bị thiếu hụt, khi đó càng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện sớm và sơ cứu hạ huyết áp kịp thời là điều rất quan trọng, cần được ưu tiên.

6. Cách xử trí khi bị hạ huyết áp đột ngột

  • Người bệnh ngồi yên hoặc nằm xuống mặt phẳng, nâng cao chân, lưu ý chọn khu vực thoáng mát, tránh nơi đông người ngột ngạt chỉ càng khiến bệnh nhân khó thở hơn.
  • Bệnh nhân uống 1 ly nước muối pha loãng, trà đường, trà gừng để huyết áp ổn định. Hoặc ít nhất, người bệnh nên uống 2 cốc nước ấm (tương đương 500ml) sẽ giúp tăng khối lượng dịch trong cơ thể, từ đó cải thiện huyết áp dần.
  • Nếu thấy tình trạng khả quan hơn, người thân hoặc đồng nghiệp đỡ người bệnh từ từ ngồi dậy cho tỉnh táo.
  • Còn nếu tình trạng không cải thiện (lú lẫn, hôn mê,…), khi đó người thân hoặc đồng nghiệp hãy gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.

hạ huyết áp

Nếu bị hạ huyết áp dẫn đến da tím tái, thở nhanh và mạch yếu, người bệnh cần được đưa vào cấp cứu ngay.

7. Phương pháp điều trị hạ huyết áp

Tùy vào tình trạng và nguyên nhân gây hạ huyết áp, bác sĩ có nhiều phương pháp điều trị, cụ thể:

  • Hồi sức, truyền dịch.
  • Kê thuốc ổn định huyết áp, tăng dung tích máu, làm giảm khả năng máu bị tụ về phần dưới cơ thể.
  • Yêu cầu bệnh nhân ngừng ngay loại thuốc nào đó đã gây hạ huyết áp.
  • Lời khuyên thay đổi lối sống (tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học, tránh uống rượu bia, ngủ đủ giấc,…).
  • Đối với người bị huyết áp thấp mạn tính nên thường xuyên kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà.

Tóm lại có thể thấy, hạ huyết áp có thể trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được xử trí và điều trị đúng cách. Theo đó, mỗi người chúng ta ai cũng có nguy cơ hạ huyết áp. Vì vậy hãy duy trì lối sống lạnh mạnh và theo dõi huyết áp thường xuyên để tránh hạ huyết áp, bảo vệ sức khỏe tốt nhất nhé!

Nguồn tham khảo: 

Hạ huyết áp – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Low blood pressure (hypotension) – Symptoms and causes – Mayo Clinic 

Share: