Lupus ban đỏ có nguy hiểm không? Cách nhận biết và điều trị
Lupus ban đỏ là một căn bệnh tự miễn với diễn tiến khá phức tạp. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể và thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong.
1. Lupus ban đỏ là gì?
Lupus ban đỏ (được gọi là SLE hoặc lupus) là một bệnh lý xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô và cơ quan bao gồm các bộ phận như khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi. Khi đó, các cơ quan này bị tổn thương và suy giảm khả năng hoạt động.
Căn bệnh này không lây nhiễm cho người khác, ngay cả khi tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên các yếu tố sau đây có thể gây nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ hoặc làm bệnh tiến triển trầm trọng hơn:
- Di truyền
- Rối loạn hormone
- Phụ nữ (đặc biệt ở độ tuổi 15-40 tuổi)
- Thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời hoặc khói bụi
- Nhiễm trùng
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc chống co giật và thuốc kháng sinh
- Các bệnh tự miễn khác
- Chủng tộc: người châu Á, người gốc Tây Ban Nha,…
Tỷ lệ mắc bệnh lupus khoảng từ 1 đến 150 người trên mỗi 100.000 dân, chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
3. Dấu hiệu nhận biết lupus ban đỏ
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ có thể xuất hiện đột ngột ở mức độ nhẹ hoặc nặng, có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Các dấu hiệu phổ biến của lupus ban đỏ bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Sốt.
- Đau khớp, cứng khớp và sưng khớp.
- Phát ban có thể xuất hiện dưới dạng hình cánh bướm trên mặt, phủ rộng trên má và sống mũi, hoặc có thể xuất hiện ở những vùng khác trên cơ thể. Phát ban nhưng không gây ngứa, hoặc cảm giác ngứa rất ít.
- Các tổn thương ở da trở nên trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Hụt hơi
- Đau ngực
- Mắt khô
- Đau đầu, lú lẫn và mất trí nhớ
Bệnh lupus với biểu hiện đặc trưng là gây ra phát ban dạng cánh bướm trên da và nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
4. Lupus ban đỏ có nguy hiểm không?
Bệnh lupus gây ảnh hưởng nhiều cơ quan trên cơ thể như não bộ và hệ thần kinh trung ương, máu và mạch máu, thận (viêm cầu thận, suy thận), phổi (viêm phổi), tim (viêm cơ tim hoặc màng tim),…
Ngoài ra, lupus ban đỏ cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, ung thư, hoại tử xương, sảy thai hoặc sinh non (ở phụ nữ mang thai) và nguy hiểm nhất là tử vong.
5. Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không?
Bệnh lupus ban đỏ vẫn hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và tiếp cận đúng hướng điều trị.
Các biện pháp chữa trị lupus ban đỏ bao gồm:
- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ví dụ như naproxen sodium (Aleve) và ibuprofen (Advil, Motrin IB, các loại khác) được dùng để điều trị triệu chứng đau, sưng và sốt liên quan lupus ban đỏ. Tuy nhiên, tác dụng phụ của loại thuốc này có thể bao gồm xuất huyết dạ dày, tổn thương thận và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Thuốc chống sốt rét: Loại thuốc này thường được dùng để giảm liều lượng của loại thuốc cần thiết khác, áp dụng khi bệnh nhân mệt mỏi, đau khớp, phát ban và loét miệng. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này rất hiếm, chỉ gây đau bụng hoặc đổi màu da.
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch: Các loại thuốc như azathioprine (Imuran, Azasan), mycophenolate (Cellcept), methotrexate (Trexall, Xatmep, các loại khác) được chỉ định khi bệnh lupus ở mức nghiêm trọng. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là tăng nguy cơ tổn thương gan, giảm khả năng sinh sản và tăng khả năng ung thư.
- Liệu pháp glucocorticoid: Dùng toàn thân và chỉ được áp dụng khi bệnh lupus gây ảnh hưởng tính mạng hoặc không đáp ứng các biện pháp điều trị khác.
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị phù hợp. Chẳng hạn, nếu người bệnh bị thiếu máu, huyết áp cao hoặc loãng xương do lupus, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc chuyên biệt để điều trị các vấn đề này.
Hiện nay, nhờ vào các phương pháp điều trị hiệu quả, đa số người bệnh lupus ban đỏ có thể có tuổi thọ cao hơn và chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.
6. Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh lupus ban đỏ
Duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp hỗ trợ điều trị lupus ban đỏ hoặc phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả:
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
- Chống nắng kỹ càng khi đi ra ngoài, thoa kem chống nắng, đeo nón rộng vành, kính, áo chống nắng hoặc găng tay.
- Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày, để tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Nói “không” với thuốc lá.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng hay lo âu quá mức.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã phần nào hiểu được bệnh lupus ban đỏ là gì cũng như triệu chứng và cách điều trị. Nhìn chung, mỗi chúng ta cần có ý thức chủ động bảo vệ sức khỏe, hãy đi khám sức khỏe thường xuyên hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nhé!
Nguồn tham khảo:
Lupus – Symptoms & causes – Mayo Clinic
Lupus: Symptoms & Treatment – Cleveland Clinic
Xem thêm: Bệnh thận mạn tính có nguy hiểm không? Dấu hiệu cảnh báo