Nhiễm khuẩn Hp dạ dày và 7 điều bạn cần biết
Những năm gần đây, tình trạng nhiễm khuẩn Hp ngày càng tăng cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề về dạ dày, từ viêm loét đến nguy cơ ung thư dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm vi khuẩn Hp. Chính vì vậy, chúng ta cần nắm rõ những điều sau để biết cách xử trí hoặc chủ động phòng bệnh.
1. Nhiễm khuẩn Hp là gì?
Bệnh nhiễm khuẩn Hp là tình trạng phổ biến ở hệ tiêu hóa, xảy ra khi vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) xâm nhập và phát triển trong niêm mạc dạ dày, dẫn đến các vấn đề như viêm và loét dạ dày – tá tràng.
Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) thường phát triển rất mạnh ở hang vị dạ dày, dẫn đến viêm ở khu vực này.
2. Con đường lây nhiễm của vi khuẩn Hp
Vi khuẩn Hp có thể lây nhiễm qua 3 con đường chính sau đây:
- Lây qua đường miệng (khi ăn uống chung, chấm chung chén nước chấm,…)
- Lây qua đường trung gian (ruồi, gián, chuột tiếp xúc với phân của người nhiễm bệnh, sau đó bám vào thức ăn hoặc vật dụng cá nhân của người khỏe mạnh, khiến họ cũng nhiễm khuẩn Hp).
- Lây nhiễm chéo qua thiết bị y tế (do dung cụ nội soi không được vô khuẩn,…).
3. Triệu chứng nhiễm khuẩn Hp
Phần lớn người mắc vi khuẩn Hp không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể gặp phải tổn thương nghiêm trọng ở dạ dày, như viêm loét hoặc ung thư. Khi đó, bệnh nhân có thể trải qua các triệu chứng khác nhau, bao gồm:
- Đau ở vùng thượng vị
- Đầy bụng, bụng căng tức
- Nhanh no sau ăn
- Chán ăn, ăn uống không ngon miệng
- Nôn hoặc cảm giác buồn nôn
- Đi cầu phân đen
- Mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên do
Khi người bệnh gặp triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa tức là vi khuẩn Hp đã gây tổn thương ở dạ dày.
4. Vi khuẩn Hp có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vi khuẩn Hp có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Cụ thể như:
- Viêm dạ dày: Vi khuẩn Hp sinh sống ở niêm mạc dạ dày và tiết độc gây viêm teo niêm mạc dạ dày.
- Loét dạ dày và tá tràng: Vi khuẩn Hp gây tổn thương các lớp niêm mạc dạ dày và dần ăn sâu qua niêm mạc, để lộ lớp cơ niêm, hình thành vết loét.
- Ung thư dạ dày: Một số độc lực của vi khuẩn Hp làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày – một trong những loại ung thư phổ biến nhất tại nước ta.
5. Cách chẩn đoán nhiễm khuẩn HP
Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng bệnh nhân gặp phải. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp cần thiết như:
- Xét nghiệm máu để tìm kháng thể vi khuẩn Hp.
- Xét nghiệm phân để xác định dấu hiệu vi khuẩn Hp.
- Kiểm tra hơi thể nhằm kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn Hp.
- Nội soi ống tiêu hóa để kiểm tra tổn thương dạ dày do vi khuẩn Hp, đồng thời sinh thiết niêm mạc dạ dày để chẩn đoán ung thư dạ dày.
- Chụp CT để nhìn thấy hình ảnh chi tiết về đường tiêu hóa, qua đó giúp bác sĩ đánh giá chính xác.
6. Cách điều trị khi nhiễm vi khuẩn HP
Phương pháp điều trị nhiễm khuẩn Hp dạ dày hiệu quả là dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn Hp (2 loại kháng sinh trở lên), thuốc giảm tiết axit dạ dày để giảm triệu chứng cho người bệnh.
Phác đồ điều trị vi khuẩn Hp khoảng 14 ngày. Thời gian này, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc.
Lưu ý, thuốc điều trị vi khuẩn Hp có một số tác dụng phụ như sau:
- Rối loạn tiêu hóa
- Khó thở
- Đau đầu
- Miệng khô
- Chán ăn
- Đau khớp
Trước khi dùng thuốc điều trị nhiễm khuẩn Hp, người bệnh nên hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ sẽ gặp phải để có tâm lý chuẩn bị tốt.
Sau khi ngưng phác đồ điều trị khoảng 4 tuần, người bệnh quay trở lại tái khám theo lịch và xét nghiệm test hơi thở ure hoặc nội soi để kiểm tra hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn Hp.
7. Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn Hp
Phòng ngừa nhiễm khuẩn Hp không quá khó, chỉ cần tuân thủ một số điều sau:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh.
- Chọn thực phẩm sạch và có nguồn gốc rõ ràng.
- Ăn thực phẩm đã được nấu chín kỹ, hạn chế ăn đồ tươi sống.
- Uống nước sạch hoặc nước đã đun sôi.
- Không nên ăn chung, uống chung với người khác.
- Nghỉ ngơi, thư giãn đủ, kiểm soát stress/căng thẳng.
- Ăn uống đủ chất và tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày để tăng cường đề kháng.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt là tầm soát ung thư dạ dày với đối tượng: người từ 45 tuổi trở lên, người nghiện rượu bia, người có tiền sử gia đình tưng bị ung thư dạ dày,…
Tóm lại, bởi vì vi khuẩn HP có khả năng kháng thuốc nên rất khó để điều trị dứt điểm. Chính vì vậy, tốt nhất chúng ta nên tìm hiểu rõ về căn bệnh này và có cách xử trí, phòng ngừa kịp thời. Theo dõi thêm ở Chuyên mục Sức khỏe, chúng tôi liên tục cập nhật tin tức sức khỏe mới nhất đến bạn đọc.
Nguồn tham khảo: Helicobacter pylori (H. pylori) infection – Symptoms & causes
> Xem thêm: Ngộ độc thực phẩm: Dấu hiệu nhận biết và Cách xử trí kịp thời