Ung thư dạ dày sống được bao lâu? Triệu chứng và Điều trị
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, gây ra tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trong các bệnh lý về đường tiêu hóa. Khả năng sống sót của bệnh nhân ung thư dạ dày phụ thuộc vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, lựa chọn hướng điều trị phù hợp và tình trạng sức khỏe tổng thể.
1. Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là bệnh lý hình thành khi các tế bào ở niêm mạc dạ dày phát triển bất thường, mất kiểm soát dẫn đến hình thành các khối u ác tính. Khi bệnh tiến triển nghiêm trọng, các khối u có thể lan rộng sang các khu vực lân cận và di căn đến các cơ quan xa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Càng ngày càng có nhiều người trẻ mắc ung thư dạ dày, trong đó tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới.
2. Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Hiện tại, nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên có vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như sau:
- Nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày
- Polyp dạ dày
- Chế độ ăn uống không khoa học: ăn quá mặn, lạm dụng thực phẩm muối chua, dùng thực phẩm bị nấm mốc, uống rượu bia, thói quen thường xuyên ăn đêm,…
- Lối sống không lành mạnh: thức khuya, hút thuốc lá,…
- Tiền sử gia đình từng có người thân mắc các bệnh dạ dày.
- Thừa cân, béo phì.
- Tổn thương tiền ung thư: viêm dạ dày mạn tính, loạn sản,…
3. Triệu chứng ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày diễn tiến thầm lặng và không có biểu hiện rõ ràng ngay từ ban đầu. Đến khi bệnh tiến triển thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Ăn nhanh no
- Đau ở vùng thượng vị, căng tức, chướng bụng
- Buồn nôn
- Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua
- Khó nuốt, nuốt nghẹn
- Sờ thấy u ở bụng
- Đi ngoài phân đen
- Mệt mỏi kéo dài
- Chán ăn
- Sụt cân
4. Ung thư dạ dày sống được bao lâu?
Nếu ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể đạt hơn 95%, đồng thời tỷ lệ sống sót sau 15 năm lên tới 94%.
Nếu ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ đạt 7% và sau 10 năm chỉ còn 5%.
Ung thư dạ dày có chữa khỏi không còn tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện và chữa trị bệnh.
5. Phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày
Để chẩn đoán chính xác ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và xem xét kết quả tầm soát ung thư hệ tiêu hóa đã thực hiện trước đó (nếu có). Sau khi có kết quả chẩn đoán, người bệnh có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng như nội soi tiêu hóa, xét nghiệm chuyên sâu, và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
Khi có kết quả chính thức, hồ sơ bệnh án sẽ được chuyển cho bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thực hiện các kiểm tra bổ sung và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn của bệnh.
Tóm lại, các phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày bao gồm:
- Khám lâm sàng
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm dấu ấn ung thư CEA, CA72.4
- Nội soi ống tiêu hóa trên
- Chụp X-quang dạ dày cản quang
- Chụp CT
6. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày
Phương pháp điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các phương pháp bao gồm:
- Phẫu thuật: Ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày, sau 2 tuần thì bệnh nhân có thể xuất viện và chăm sóc sức khỏe kỹ càng đề hồi phục dần. Hoặc phương pháp phẫu thuật còn được áp dụng ở giai đoạn cuối, cụ thể là nối dạ dày với ruột non để tránh tắc môn vị.
- Xạ trị: Đây là biện pháp sử dụng tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư dạ dày. Xạ trị có thể được chỉ định ở giai đoạn đầu để làm thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Hoặc xạ trị có thể kết hợp với hóa trị ở giai đoạn muộn để làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
- Hóa trị: Phương pháp này dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư dạ dày, thường được chỉ định ở giai đoạn đầu để hỗ trợ cho phẫu thuật, hoặc áp dụng cho giai đoạn muộn và kết hợp với xạ trị.
Khi tiến hành hóa trị, bệnh nhân ung thư thường rất mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
Như vậy qua bài viết có thể thấy, triệu chứng ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu khá mơ hồ và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thông thường như viêm hoặc loét dạ dày, vì vậy rất khó nhận biết. Chỉ có cách phát hiện sớm và chính xác là khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ, nội soi tiêu hóa khi cần thiết.
Đồng thời để phòng bệnh ung thư dạ dày, bạn cần tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, duy trì cân nặng ở mức hợp lý, thường xuyên ăn rau xanh và trái cây, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, giảm ăn mặn và ăn đồ muối chua, ngừng hút thuốc lá khi có thể.
Đừng bỏ lỡ những bài viết mới nhất của Chuyên mục Sức khỏe. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện mỗi ngày!
Nguồn tham khảo: